TTO – Sau một thời gian áp dụng, các hiệp hội thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, nhựa… đồng loạt có kiến nghị mô hình sản xuất mới thay cho việc áp dụng sản xuất ‘3 tại chỗ’ vì phát sinh rất nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ thành ổ dịch.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị có phương án thay thế “3 tại chỗ”. Trong ảnh: sản xuất tại một công ty ở quận 7 (TP.HCM) chuyên về khuôn mẫu và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao.

Nếu chậm điều chỉnh, đơn hàng bị chuyển đi nước khác, VN sẽ bị loại dần khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều giải pháp cho doanh nghiệp chọn

Bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã được tiêm vắc xin COVID-19, thậm chí có nơi tiêm được đến 80%. Do đó, ngay từ lúc này, Bộ Y tế cần xây dựng bộ tiêu chí và có phương án hoạt động ở các vùng xanh để mở lại sản xuất.

Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết do không đáp ứng được nhu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” nên nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, bị khách hàng hủy đơn hàng là rất lớn..

Do đó, các hiệp hội thành viên VPA đều nhất trí kiến nghị Chính phủ không duy trì “3 tại chỗ” mà bổ sung các hình thức khác cho DN được lựa chọn. Trong đó, ưu tiên tiêm vắc xin cho khu vực sản xuất cùng hướng dẫn cụ thể khi có ca F0 xuất hiện trong nhà máy.

“Áp dụng nguyên tắc: lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động. Đưa F0 vào bộ phận cách ly trong nhà máy quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F0 tại nhà đang áp dụng ở TP.HCM…” – ông Lam đề xuất cách làm mới.

Các F1 cần được xét nghiệm PCR ngay và sau 7 ngày tiếp theo, các F1 thuộc bộ phận có F0 vẫn tiếp tục làm việc trong bộ phận sau ba ngày khử khuẩn và được quản lý tương tự cách ly F1 tại nhà đang áp dụng ở TP.HCM.

Việc dừng sản xuất bộ phận, khu vực F0 tiếp xúc chỉ nên ba ngày sau khử khuẩn. Các bộ phận khác không liên quan được hoạt động bình thường. Tổ y tế cộng đồng của nhà máy có trách nhiệm theo dõi tình hình của F0, F1 và cập nhật tình hình tới cơ quan y tế tương tự hướng dẫn chăm sóc F0, F1 tại nhà.

“Việc tổ chức bước đầu nên được thực hiện theo quy mô nhỏ 50 – 100 công nhân. Ngành y tế địa phương cần cung cấp cho DN biết các đơn vị thực hiện dịch vụ khử khuẩn, dịch vụ xét nghiệm PCR đạt tiêu chuẩn” – ông Lam nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, giám đốc điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), cho rằng cần chú trọng hình thành các vùng xanh sản xuất để tạo ra hàng hóa liên tục dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vùng xanh sản xuất không chỉ là nơi có nhiều điểm xanh độc lập mà kết nối các điểm xanh nhìn theo chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và các yếu tố hỗ trợ khác như địa điểm xử lý các vấn đề y tế cho khu vực này, cơ chế thông tin liên lạc nhanh, thông suốt giữa các vùng an toàn, các kịch bản quản trị được chính quyền địa phương thiết lập sẵn…

Ví dụ, DN đã có 100% nhân viên tiêm đủ liều vắc xin là điểm xanh mức độ an toàn cao nhất, tại đây cần 1 quy chế ứng xử với COVID-19 như với cúm mùa thông thường để dồn sức cho sản xuất. DN vẫn phải đảm bảo 5K khi giao tiếp với bên ngoài. 

Trường hợp có F0 cũng chỉ cần cách ly tại chỗ, vì F0 đã được tiêm thì giảm nguy cơ tử vong. Hoặc có thể phân tầng theo mức độ 70%, 50% hay 30% người lao động được tiêm đủ vắc xin thì có hướng dẫn tương ứng…

Việc đảm bảo giao thương thông suốt trong chuỗi cho hoạt động liên tục của các vùng xanh sản xuất cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi nếu không, vùng xanh có nguy cơ là ốc đảo.

Với những DN có nguồn lực tốt, có thể phối hợp với chính quyền để hình thành bệnh viện dã chiến ngay tại các vùng sản xuất.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty CP XNK Nam Thái Sơn (TP.HCM) – Ảnh: NHƯ Ý

Phương án mở cửa 3 giai đoạn

Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng nhấn mạnh phương án hiệp hội này đề nghị thay mô hình “sản xuất 3 tại chỗ” với nhiều giai đoạn áp dụng. 

Giai đoạn 1: DN áp dụng không quá 30% công suất bình thường trong hai tuần đầu. Trong quá trình triển khai, nếu có lây nhiễm thì tạm dừng để cách ly, khoanh vùng ở khu vực chuyền/tổ/ca đó, không cần phải đóng cửa toàn bộ nhà máy. Điều này cũng phù hợp với sự thay đổi trong chiến lược y tế của Chính phủ từ phòng ngừa sang điều trị và phòng ngừa.

Giai đoạn 2: rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và đưa thêm người lao động trở lại làm việc nhưng không quá 50% công suất bình thường. Giai đoạn 3: chỉ thực hiện sau khi đánh giá rút kinh nghiệm giai đoạn 2, từ đó nâng tiếp số lao động lên nhưng không quá 70% công suất bình thường, cho đến khi địa phương cho phép trở lại bình thường.

Theo bà Xuân, hiện DN đang chờ sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng trước đề xuất nêu trên của Lefaso để kịp bắt tay vào thực hiện từ trung tuần tháng 8 này. Tuy nhiên, giải pháp chỉ được thực hiện với hiệu quả cao khi các DN tham gia đều được tiêm vắc xin ít nhất một mũi.

Riêng với bộ kit xét nghiệm nhanh mà rất nhiều DN đang cần trang bị để xét nghiệm cho công nhân của mình, Lefaso đề xuất Chính phủ cấp thêm giấy phép nhập khẩu bởi số lượng nhà cung cấp hiện tại quá ít.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-giai-phap-thay-the-3-tai-cho-20210815225959201.htm